NHỮNG CƯ DÂN KÌ LẠ TRÊN NHỮNG HÒN ĐẢO KÌ LẠ
Ngày 03/12/2016
Đảo cáo (Nhật Bản)
Ngôi làng có tên làng cáo Zao ở Miyagi là quê hương của 6 loài cáo với tổng cộng hơn 100 con. Du khách đến đây có cơ hội ôm ấp, vuốt ve những chú cáo đã được thuần dưỡng và cho chúng ăn. Cáo tự do đi lại trong làng. Ở Nhật Bản, cáo được coi là sức mạnh bí ẩn và là sứ giả của Inari Okami, vị thần trong đạo Shinto tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng và lúa gạo.
Đảo hải cẩu (Nam Phi)
Hòn đảo nhỏ toàn đá ở vịnh False là vương quốc của 60.000 chú hải cẩu Cape Fur cùng một số cộng đồng nhỏ lẻ khác bao gồm mòng biển, chim cốc và chim cánh cụt. Xuôi xuống bờ biển, các loài cá voi, cá heo, cá mập Bronze Whaler bơi lượn quanh vịnh.
Đảo khỉ (Liberia)
Hòn đảo ở Monrovia, phía tây châu Phi này được biết đến với hơn 60 con tinh tinh chiếm hữu. Những chú tinh tinh này từng là khỉ dùng làm thí nghiệm của Viện nghiên cứu công nghệ nano y sinh Liberia trong việc chế ra các loại thuốc như thuốc trị viêm gan những năm 1970. Vì thế, tất cả các loài khỉ ở đây đều đã bị nhiễm bệnh. Du khách khó có thể đến thăm đảo khỉ này, do đảo chỉ cho phép những người chăm sóc khỉ ghé qua.
Đảo mèo (Nhật Bản)
Tashirojima là thiên đường của những chú mèo Nhật Bản, nằm tại tại Ishinomaki, Miyagi trên biển Thái Bình Dương, gần bán đảo Oshika phía tây Ajishima. Trên đảo cũng có người sinh sống, song số lượng mèo gấp nhiều lần số người ở đây. Ngay cả chó cũng bị cấm trên đảo. Dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt cá và tiền thu được nhờ khách du lịch đến thăm mèo.
Đảo thỏ (Nhật Bản)
Okunoshima là hòn đảo nhỏ từng đặt nhà máy khí ga độc quan trọng trong Thế chiến 2. Sau khi chiến tranh kết thúc, lũ thỏ khỏe mạnh được thả, còn những con thỏ dùng trong thí nghiệm vũ khí hóa học bị giết bỏ khi nhà máy bị phá hủy. Những con thỏ được thả sinh sôi phát triển ngày một nhiều khiến hòn đảo giờ được biết đến với cái tên “đảo thỏ”.
Đảo rắn (Brazil)
Ilha de Queimada Grande là hòn đảo bị cấm bởi nhiều lý do. Mỗi mét vuông trên đảo có từ 1-5 con rắn, trong đó có nhiều loài rắn độc với nọc mạnh gấp 5 lần so với các loài khác. Chỉ các nhà sinh vật học dũng cảm mới dám đặt chân đến đây.
Đảo ngựa (Mỹ)
Loài ngựa hoang dã có tên Assateague là cư dân hòn đảo dài 60 km nằm ở bờ biển phía tây Delmarva, bang Maryland, Mỹ. Hòn đảo không người sinh sống. Chuyện kể rằng những con ngựa tồn tại và sinh sôi trên đảo từ một vụ đắm tàu Tây Ban Nha. Ở Virginia, loài ngựa này được gọi là Chincoteague.
Đảo cua Giáng sinh (Australia)
Đây là vương quốc của 40-50 triệu con cua đỏ. Chúng phủ kín mặt đất và các ghềnh đá. Thời điểm đẹp nhất ở đây là đầu mùa mưa, từ tháng 10-11 khi loài cua đỏ di cư trong 18 ngày xuống biển Ấn Độ Dương để đẻ trứng. Trên đảo có 13 loài cua tất cả.
Đảo heo (Bahamas)
Hòn đảo Big Major Cay ở Exuman, Bahamas không có người ở, chỉ có những chú heo hoang dã tung tăng bơi lội. Người ta cho rằng những chú heo này do thủy thủ để lại làm bữa tối, nhưng họ đã không quay lại. Một số người khẳng định, chúng bơi từ một hòn đảo khác đến. Số khác nói rằng, chúng sống sót từ một vụ đắm tàu hoặc đây là một kế hoạch của ngành du lịch. Những chú heo trên hòn đảo học cách sinh tồn và phát triển thành đàn. Chúng thường bơi ngang qua những con tàu để tìm kiếm thức ăn hay xin thức ăn từ những chiếc thuyền du lịch.
Đảo chim cánh cụt (Australia)
Đảo Macquarie phía tây nam Thái Bình Dương, giữa New Zealand và Nam Cực là vương quốc của những chú cánh cụt. Đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1997. Điểm ngắm cánh cụt đẹp nhất là vịnh Lusitania, bờ biển phía đông hòn đảo. Một trong những loài cánh cụt đẹp nhất là Rockhopper với chùm lông vàng trên đầu, cổ ngắn, lông dày, đuôi ngắn, cứng, và có hình chữ v.
Theo wanderlusttips