Ngày 25/05/2024
Được mệnh danh là "Vương quốc hang động" của Việt Nam, Quảng Bình sở hữu hệ thống hơn 400 hang động đã được khám phá, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, vùng đất này sở hữu nhiều tiềm năng du lịch với các bãi biển đẹp, sự đa dạng các nhóm dân tộc tạo ra nền văn hóa đặc sắc với những giá trị riêng. Đây còn là nơi lưu giữ các di chỉ thuộc nhiều nền văn hoá, di tích lịch sử nổi tiếng…
Đặc biệt, hệ thống hang động kết hợp cùng hệ thống sông, suối tại Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong mang đến điều kiện tốt và nhiều tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí đặc trưng, riêng biệt cho tỉnh Quảng Bình.
Được thành lập năm 2001, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng diện tích 85.754 ha, tiền thân vốn là khu rừng đặc dụng Phong Nha. Đến năm 2013, tổng diện tích Vườn được nâng lên thành 123.326 ha. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2009 và được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo vào năm 2003 và theo tiêu chí đa dạng sinh học vào năm 2015.
Hệ thống hang động huyền bí, hấp dẫn
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch bởi hệ thống hang động huyền bí và hấp dẫn. Tổng chiều dài hang động tại VQG Nha – Kẻ Bàng đã được ghi nhận là trên 130 km với gần 50 hang động và được chia thành ba hệ thống hang Vòm, hang Phong Nha và hang Rục Mòn. Trải qua 30 thám hiểm hang động tại Quảng Bình, hiện đã có 404 hang động đã được phát hiện và khảo sát với tổng chiều dài là 231 km.
Trong đó, hang Sơn Đoòng có niên đại khoảng 3 triệu năm tuổi được công nhận là hang động lớn nhất thế giới được phát hiện. Với chiều dài của hang là 6.500 m, cao 150 m, rộng 140 m, Sơn Đoòng có 2 giếng trời tự nhiên với cả khu rừng nguyên sinh phát triển mạnh khiến du khách không khỏi choáng ngợp khi đặt chân đến đây.
Hệ thống động thực vật đa dạng
Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam, nơi hội tụ của nhiều loại động thực vật 3 miền Bắc - Trung - Nam tạo thành 6 kiểu hệ sinh thái khác nhau. Đặt chân đến Quảng Bình, du khách sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với dáng vẻ hoang sơ, kỳ vỹ. Xen giữa những khe đá, nhiều loại cây cứ thế sinh trưởng, phát triển xanh tốt, ôm lấy những vách đá cao tạo nên cảnh tượng ngoạn mục.
Đắm mình trong bầu không khí trong lành giữa những cánh rừng bao la, hùng vĩ, mọi người có thể ngắm nhìn những cây gỗ nhiều năm tuổi, khám phá hệ thực vật đa dạng với tổng số 2.952 loài.
Đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như hổ, bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới. Hiện nơi đây ghi nhận được 822 loài động vật có xương sống với 154 loài thú, 303 loài chim, 151 loài bò sát, lưỡng cư, 214 loài cá, 10 loài linh trưởng. Nhiều loài động vật trong đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.
Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. Vùng đệm VQG có diện tích 219.855 ha bao gồm 13 xã, thị trấn thuộc huyện Minh Hoá, huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh.
Nhiều nhóm dân tộc sở hữu nét văn hoá đặc trưng
Không chỉ nổi tiếng về hệ thống hang động, cảnh quan tuyệt đẹp với độ đa dạng sinh học cao, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn nổi tiếng bởi các nhóm dân tộc bản địa. Bên cạnh dân tộc Kinh, khu vực này còn có hai nhóm dân tộc chính là Bru-Vân Kiều và Chứt với khoảng 8 tộc người sống ở phía Bắc dãy Trường Sơn.
Trong đó, Bru – Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me có dân số lớn nhất, gồm tộc Vân Kiều, Khùa, Ma Coong và Trĩ. Tộc người Vân Kiều là tộc lớn nhất, phân bố rộng khắp dãy Trường Sơn. Tộc Trĩ và Ma Coong phân bố ở xã Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch và Lào. Còn tộc Khùa chủ yếu phân bố xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá.
Nhóm dân tộc Chứt gồm có rất nhiều tộc nhỏ như Sách, Mày, Rục và Arem. Arem và Rục cũng chính là 2 tộc nhỏ nhất Việt Nam, họ có ngôn ngữ riêng, sống tách biệt với các nhóm khác trong khu vực núi đá vôi.
Đến với Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách có dịp tham gia nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc của các tộc người nơi đây như Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Lễ hội trỉa lúa của người Bru – Vân Kiều, Lễ hội cá trắm và đua thuyền truyền thống trên sông Son… Tham gia các lễ hội, du khách được tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân bản địa, những nét đẹp về văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, thưởng thức những món ăn độc đáo, thưởng thức ca múa nhạc với nhiều loại nhạc cụ đàn ống, sáo, tù và, chiêng, ché của người Chứt…
Tính đến cuối năm 2021, các xã vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có số dân là 72.089 người, trong đó 63,39% thuộc độ tuổi lao động. Đây là cơ sở để VQG tận dụng nhân lực địa phương cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiềm năng du lịch văn hóa
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, các khu rừng và hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi đóng quân và cất giấu vũ khí của bộ đội Việt Nam. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại tập trung một loạt các hệ thống di tích như Trạ Ang, trọng điểm A.T.P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích), tổng Kho NH, Bến Phà Xuân sơn, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, động Phong Nha, dốc Ba Thang…
Băng qua những cánh rừng hoang sơ trên dãy Trường Sơn, du khách có cơ hội sống lại những thời khắc lịch sử qua các câu chuyện kể của người lính cụ Hồ, ghé thăm hang Tám Cô, hang Y Tá, cột mốc biên giới Việt - Lào, hang Chín tầng, Khe Ve, ngầm khe Rinh, Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, đồi Cha Quang, đèo Mụ Giạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Đá Đẽo, sân bay Khe Gát….
Ngoài ra, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận được 33 di chỉ khảo cổ có niên đại từ 3.000 - 12.000 năm trước. Tiêu biểu như di chỉ hang Bi Ký trong động Phong Nha chứa đựng các dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa, di chỉ ở xã Hưng Trạch chứa đựng các thông tin văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh. Di tích chữ hệ chữ Brahmi có nguồn gốc Nam Ấn Độ thể hiện ngôn ngữ người Chăm, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị, các di chỉ như rìu đá thuộc Thời kỳ Đồ đá mới cũng được phát hiện tại đây.
Giao thông thuận tiện
Cách TP Đồng Hới khoảng 40 km theo hướng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 500 km về phía Nam, hệ thống giao thông dẫn đến với VQG Phong Nha - Kẻ Bàng khá thuận lợi. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo Quốc lộ 1A, đi đường sắt đến Ga Đồng Hới hoặc đường hàng không đến sân bay Đồng Hới sau đó di chuyển đến Vườn.
24/09/2024